Cảnh báo Cookie được sử dụng trên trang web này để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất. Nếu bạn tiếp tục, chúng tôi giả định rằng bạn đồng ý nhận cookie từ trang web này. OK

Ngành giấy nhiều cơ hội nhưng thiếu “nền tảng” bứt phá

Ngày 21/ 3/2019 tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành Công nghiệp giấy Việt Nam”

Tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam cho biết trong bối cảnh sản xuất hiện nay của thế giới và khu vực, ngành Giấy trong nước đang đứng trước nhiều tiềm năng cơ hội để bứt phá, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất giấy bao bì với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm. Tuy nhiên, ông Đức cũng đồng thời bày tỏ quan ngại về việc hiện Ngành đang thiếu cơ chế chính sách hợp lý và điều này có thể khiến các doanh nghiệp giấy trong nước lỡ mất cơ hội “vàng” để phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Cần nhận thức đúng về vai trò quan trọng, cơ hội phát triển mạnh của ngành Giấy

Bức xúc vì nhận thức sai lầm của nhiều người về ngành Giấy (là đang có xu hướng thu hẹp, sản xuất gây ô nhiễm môi trường…) đại diện đa số doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước, nhấn mạnh tại diễn đàn, VPPA cho rằng xã hội cần có nhận thức chính xác về ngành Công nghiệp giấy và Bôt giấy là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trên thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Cụ thể trong cuộc sống, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giấy giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, âm thầm đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất (bao bì, bao gói sản phẩm).

Thực tế Công nghiệp Giấy Việt Nam hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đồng thời cộng hưởng để phát triển các ngành kinh tế khác (trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng của lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc và hỗ trợ người trồng rừng; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chế biến phát triển...).

Đối với xã hội, ngành Giấy hiện đang cung cấp nhiều sản phẩm cho mục đích đa dạng: hoạt động văn hoá xã hội, hoạt động giáo dục hay hoạt động sản xuất, nghiên cứu và cung cấp nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng. Tiêu thụ giấy trực tiếp và gián tiếp liên quan đến mọi thành phần trong xã hội được coi là “thước đo kinh tế xã hội” đặc biệt tại Việt Nam. Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao cũng đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử...

Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số có dẫn đến sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy (do là sản phẩm phụ trợ của nhiều sản phẩm, buôn bán online và giao hàng qua mạng).

Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất hầu hết các doanh nghiệp sản xuất Giấy trong nước đều áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về đảm bảo môi trường cho thấy xu hướng phát triển bền vững của ngành Giấy.

Số liệu cho thấy, trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động, với công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm; một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm. Với nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Cần nền tảng cơ bản để bứt phá

Tiềm năng là thế nhưng doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó lòng chớp thời cơ, tận dụng hiệu quả cơ hội đã được nhiều diễn giả chỉ ra tại diễn đàn là trong bối cảnh đang có nhiều cơ hội phát triển (nhu cầu tiêu dùng có xu hướng gia tăng) nhưng hiện nay Ngành đang thiếu những nền tảng cơ bản để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh.

Cụ thể, quy hoạch ngành Giấy đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển Ngành, trong khi các văn bản liên quan chưa rõ ràng cụ thể, cơ sở cho các nhà đầu tư còn thiếu nên các dự án đầu tư trong ngành Giấy Việt Nam đang thực hiện đều chưa có các căn cứ và cơ sở pháp lý. Tuy nhiên thực tế các dự án đầu tư vẫn diễn ra và có quy mô rất lớn, các cơ quan quản lý nhà nước (ở cả trung ương và địa phương) không quản lý được, dẫn đến có sự lệch lạc mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất cho toàn Ngành.

Giấy tái chế là nguyên liệu đầu vào trọng yếu của ngành công nghiệp giấy, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Tận dụng giấy phế liệu để sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí (do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí xử lý môi trường). Tại Việt Nam hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu thu gom trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất nội địa, nên cần nhập khẩu số lượng lớn để phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo VPPA, ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý.

Hầu hết các nước trên thế giới và khu vực (như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia…) đều coi phế liệu giấy là loại hàng hóa thông thường, là sản phẩm được phép nhập khẩu và không cần khai báo/xin phép. Tại Việt Nam, việc siết chặt phế liệu nhập khẩu thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước. Theo ước tính của VPPA, ước tính lên tới hàng chục thậm chí là cả trăm tỷ đồng.

Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu từ các quốc gia khác, tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam, từ đó có định hướng chính sách phù hợp.

Đi sâu phân tích hệ thống chính sách quản lý hiện hành tại Việt Nam và những tác động đối với ngành Giấy, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã có những khuyến nghị về chính sách nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giấy trong nước phát triển bền vững như: cần xây dựng định hướng phát triển ngành Giấy giai đoạn 2020-2030; nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển vùng trọng điểm, rừng trồng nguyên liệu quy mô lớn…; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để hình thành doanh nghiệp quy mô; Kiến nghị Chính phủ có những chính sách để nâng cao tỷ lệ thu gom tái chế (trong đó có giấy) giảm dần việc nhập khẩu phế liệu giấy cũng như nghiên cứu sớm hoàn thiện chính sách phát triển ngành theo xu hướng các nước phát triển đối với sản xuất giấy… tạo điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất trong các khu vực doanh nghiệp giấy trong nước đáp ứng được.

Trong định hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy trong nước, nhiều ý kiến thống nhất nên đi theo quan điểm tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các chủng loại sản phẩm thông thường hiện đang có nhu cầu lớn như bột giấy, giấy bao bì, giấy tissue, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án quy mô, công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu năng lượng, thân thiện môi trường bảo vệ sinh thái, di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, quốc phòng… từ đó tạo sức bật đưa ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tags

Không có

Bài viết khác